BỆNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN DINH DƯỠNG
Chó cần thức ăn để đáp ứng nhu cầu năng lượng cần thiết hàng ngày bao gồm năng lượng cho duy trì và năng lượng cho phát triển của con vật. Nhu cầu này phụ thuộc vào khối lượng của cơ thể và sự hoạt động của mỗi loài chó.
Đối với chó nghiệp vụ phải căn cứ vào mỗi loài, khối lượng cơ thể, yêu cầu sử dụng để định mức khẩu phần. Đối với chó cảnh và chó nuôi thì tuỳ hoàn cảnh mỗi gia đình mà cho ăn nhưng vẫn phải đảm bảo mức duy trì và phát triển cũng như nuôi chó con.
Nhu cầu cho phát triển thường đòi hỏi gấp 2 lần so với nhu cầu duy trì của chó trưởng thành. Con vật có chửa cũng đòi hỏi lượng thức ăn tăng từ 10 – 20% trong những tuần cuối trước khi đẻ. Thời kỳ cho sữa trong 3 – 6 tuần đầu đòi hỏi năng lượng gấp 300% so với bình thường.
Ngoài ra nhu cầu về năng lượng còn bị ảnh hưởng bởi mùa vụ. Mùa thu nhu cầu năng lượng đòi hỏi cao hơn mùa hè, chó nuôi nhốt trong nhà cần năng lượng ít hơn chó nuôi thả.
Chó nghiệp vụ,chó săn đi làm mất nhiều sức lực nên cũng đòi hỏi nhu cầu năng lượng cao hơn 50 – 70%. Nếu năng lượng cung cấp không đủ mà chó vẫn phải làm việc thì nó sẽ tiêu thụ năng lượng dự trữ và con vật sẽ gầy yếu.
Mỗi giống chó có tầm vóc cơ thể to nhỏ khác nhau, song một chó khỏe mạnh thì không được quá béo hoặc quá gây. Hiện tượng quá béo hoặc quá gầy có thể coi là hiện tượng bệnh lý, cần phải điều trị, nhất là đối với chó nghiệp vụ.
A. Hiện tượng quá béo
I. Đặc điểm
- Chó quá béo thường do được cung cấp lượng thức ăn quá mức duy trì cần thiết.
- Con vật quá béo thường dẫn đến trạng thái bệnh lý, thân hình nặng nề, cơ quan tuần hoàn hoạt động giảm, đi lại khó khăn. Do lượng mỡ tích tụ tăng, con vật ít cử động nên tiêu thụ năng lượng ít. Một số trường hợp khác là do chó bị đau chân, ít hoạt động,
II. Triệu chứng
Thân béo tròn, thể tích bụng to (nhưng khác với bụng to do báng ở chỗ là thành bụng chó béo sờ không mềm và phập phồng như báng, vùng thận và háng do tích mỡ nên phồng lên). Con vật hoạt động khó và chậm, thở khó, mạch nhanh và yếu, nhất là khi trời nắng nóng.
III. Điều trị
Cho chó tăng cường hoạt động (cho hoạt động tăng dần), giảm bớt khẩu phần ăn và số bữa ăn, cho ăn thức ăn không có mỡ.
B. Hiện tượng quá gầy
I. Đặc điểm
- Thường do ăn uống không đủ số lượng và chất lượng, nhất là ở những con vật chửa, đẻ, nuôi con.
- Cũng có thể do con vật bị trở ngại gì thuộc cơ quan nhai nuốt (răng, họng…) nên không ăn đủ no.
- Trên thực tế hiện tượng quá gầy thường gặp ở chó bị một bệnh gì khác kéo dài, ví dụ bệnh giun sán, bệnh viêm ruột mạn tính,… làm cho con vật bị suy dinh dưỡng và thiếu máu.
Do bất cứ nguyên nhân gì nhưng khi không đủ chất dinh dưỡng, lượng mỡ dự trữ bị tiêu hao nhanh chóng, vật gầy sút rất nhanh. Ngoài ra các bộ phận khác như gan, thận, cơ cũng giảm khối lượng. Trong cơ thể lượng đạm kém, lượng nước tăng, mỡ trong tủy xương ống bị tiêu hao. Do vậy, con vật non chậm phát triển, khả năng chống đỡ bệnh tật giảm, con vật trưởng thành mất động hớn.
II. Triệu chứng
Bắp thịt bị teo đi, xương và xương sườn lộ rõ, con vật ít chuyển động và yếu đi, hay nằm, ỉa đái giảm, trong một số trường hợp con vật còn bị viêm ruột ỉa chảy. Nếu kịp thời cho tăng thức ăn, con vật sẽ phục hồi được, nhưng trong trường hợp để con vật quá gầy, dù cho ăn tốt con vật cũng không phục hồi được và có thể chết.
III. Điều trị
Phải điều trị kịp thời và điều trị những bệnh chính, đặc biệt là tẩy giun sán cho chó. Cho chó ăn đủ thức ăn về lượng và chất. Đối với chó quý cho ăn gan tươi sống, nghiền hoặc nấu chín. Nếu vật quá gầy yếu phải truyền máu, truyền đạm (cho uống viên đạm) hoặc truyền huyết thanh.
C. Chứng suy dinh dưỡng
(Dystrophia)
I. Đặc điểm
- Thường là do cơ thể thiếu một hay nhiều axit amin hon là thiếu đạm tổng số.
- Đối với chó con, trong một đàn có một số con gầy yếu, còi cọc, chậm lớn.
II. Triệu chứng
Con vật kém ăn, lười vận động, sau khi vận động con vật mệt mỏi, lông xù, niêm mạc nhợt nhạt, 4 chân yếu, đi không vững, thích nằm một chỗ. Thở nhanh và nông, tim đập nhanh, nhu động dạ dày và ruột giảm, khi thức ăn trong ruột tích lại lên men sinh ra ỉa chảy, thân nhiệt thường thấp. Con vật thiếu máu, khối lượng giảm, khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể giảm. Do vậy, con vật rất dễ bị mắc bệnh. Trong trường hợp thiếu đạm nghiêm trọng con vật còn có biểu hiện phù thũng, tích nước ở các xoang cơ thể, đặc biệt là tích nước ở bụng và sau đó suy nhược rồi chết
Kiểm tra máu:
Kiểm tra máu thấy hàm lượng huyết sắc tố, số lượng hồng cầu và bạch cầu giảm, tỷ lệ lâm ba cầu tăng, trong máu xuất hiện các dạng hồng cầu non.
III. Điều trị
Cho chó ăn thức ăn có nguồn protein tốt như trứng, sữa và sản phẩm sữa thịt, phủ tạng, một số đạm thực vật và những thức än có nhiều vitamin. Trong một số trường hợp có thể cho con vật uống viên đạm, hoặc truyền đạm.
D. Chứng thiếu vitamin
(Hypo – vitaminosis)
Vitamin là những hợp chất hữu cơ có tỷ lệ rất nhỏ trong cơ thể nhưng có tác dụng vô cùng quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nó có nhiều trong các loại thức ăn động vật và thực vật.
Khi cơ thể gia súc thiếu vitamin, tùy theo thiếu loại vitamin nào sẽ biểu hiện trên lâm sàng những triệu chứng đặc trưng đấy. Tuy nhiên, thiếu vitamin đều dẫn đến giảm ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, tiêu chảy, viêm phổi.
Thiếu vitamin A (A – Hypovitaminosis)
I. Đặc điểm
- Vitamin A cần cho sự sinh trưởng, cấu tạo biểu mô, giúp cho niêm mạc chống nhiễm trùng, tham gia vào sự trao đổi vật chất của gan và tuyến giáp, giúp cho mắt dễ nhìn vào bóng tối. Nhu cầu cần thiết cho chó 50μg/kg khối lượng cơ thể.
- Vitamin A có nhiều trong dầu gan cá, lòng đó trứng, caroten (tiền vitamin A) có nhiều trong quả gấc, ớt, cà chua, đu đủ,…
- Thiếu vitamin A con vật sẽ gầy sút, mắt khô, viêm giác mạc.
- Bệnh thường hay mắc ở chó non, gây tổn thất lớn cho chăn nuôi chó.
II. Triệu chứng
- Đối với chó non:con vật kém ăn, chậm lớn, viêm kết mạc, giác mạc, mắt khô, gầy yếu, lông xù, thiếu máu, sức để kháng của cơ thể giảm.
- Đối với chó cái:kém sinh sản, hay bị sảy thai, sót nhau, viêm tử cung, da khô, niêm mạc dễ nhiễm bệnh, giác mạc bị tác động dẫn đến các bệnh về mắt. Trường hợp nặng chó có thể bị mù, liệt.
III. Phòng trị
1. Hộ lý
- Phải kịp thời bổ sung vitamin A hoặc thức ăn có nhiều vitamin A vào khẩu phần bằng cách tăng cường các loại thức ăn có nhiều caroten như các loại củ quả, cà rốt, bí đỏ,..
- Chó sơ sinh phải lưu tâm cho bú sữa đầu.
2. Dùng thuốc điều trị
- Dùng dầu cá:chó con 5 ml/con/ngày; chó lớn 10 ml/con/ngày. Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt.
- Tiêm vitamin A:chó con 10.000 đơn vị/con/ngày, chó lớn 20.000 đơn vị/con/ngày.
- Chữa theo triệu chứng các bệnh kế phát như viêm kết mạc, viêm ruột, viêm phổi,…
Thiếu vitamin B1
(B1 – Hypovitaminosis)
I. Đặc điểm
- Vitamin B1 giữ vị trí quan trọng trong hệ thống trao đổi chất, đặc biệt đối với chuyển hoá gluxit và hoạt động của hệ thần kinh.
- Đối với trao đổi gluxit, vitamin B1 còn làm tăng hấp thu đường ở vách ruột vào máu.
- Đối với hoạt động của thần kinh nó có tác dụng ức chế men cholinesterase làm giảm sự thuỷ phân axetylcolin, do đó khi thiếu vitamin B1, cholinesterase hoạt động mạnh làm cho hoạt động thần kinh bị rối loạn mà biểu hiện bên ngoài là hiện tượng co giật và bại liệt.
- Khi thiếu vitamin B1, quá trình khử cacboxyl của các xeto axit bị ngừng trệ làm cho lượng axit pyruvic, axit oxaloaxetic, axit ∝ – xetoglutaric… tăng lên trong máu. Hiện tượng này dẫn đến trạng thái toan huyết do thể xeton.
II. Triệu chứng
Chứng thiếu vitamin B1 làm con vật giảm ăn, lông xù, ỉa chảy. Con vật thường phát sinh chứng phù thũng (biểu hiện ở nhiều cơ quan như bắp thịt, cơ tim, ống tiêu hoá) và viêm thần kinh, gây hiện tượng co giật, bại liệt tứ chi và có những biến đổi thoái hoá ở tổ chức.
III. Phòng trị
- Dùng vitamin B1 tiêm bắp hoặc dưới da: 0,3 – 0,5g/con/ngày. Điều trị liên tục 3 – 5 ngày.
- Cho ăn thức ăn có nhiều vitamin B1.
Thiếu vitamin C (C – Hypovitaminosis)
I. Đặc điểm
Vitamin C còn có tên gọi là axit ascorbic, vitamin chống bệnh Scorbut. Loại vitamin này khó bảo quản vì dễ bị oxy hoá khi gặp nhiệt độ cao.
Vitamin C tham gia vào sự hô hấp của tế bào, tăng tính đông của máu và khả năng kháng bệnh của cơ thể. Do vậy, nó có tác dụng tốt trong việc chống nhiễm trùng và giảm sốt.
Vitamin C nâng đỡ tác động của men khác thúc đẩy sự cấu tạo của sụn xương, củng cố vách mạch quản.
II. Triệu chứng
Thiếu vitamin C sẽ gây hiện tượng xuất huyết ở niêm mạc (như niêm mạc lợi, chân răng, niêm mạc trong nội tạng) và tổ chức dưới da. Thường thấy viêm miệng, viêm dạ dày, ruột, xuất huyết, con vật nôn mửa, đái ra máu. Do xuất huyết ruột nên con vật có thể ỉa phân có máu, máu có thấy ở cả nước tiểu hoặc ra xoang trước của mắt. Thiếu vitamin C con vật dễ bị nhiễm trùng hơn.
III. Phòng trị
- Đối với chó nên cho ăn thêm gan, thận, nước chanh, cà chua sống.
- Có thể bổ sung vitamin C vào thức ăn với liều lượng 100 – 200 mg/kg thức ăn.
- Tiêm vitamin C trực tiếp vào mạch máu.
CHỨNG CO GIẬT DO THIẾU CANXI
I. Đặc điểm
- Đối với một số giống chó nhỏ có thể xuất hiện chứng co giật những ngày sau khi đẻ, có khi ngay trong thời kỳ chửa.
- Bệnh có thể kéo dài vài tiếng, đôi khi tới 1 – 2 ngày.
II. Triệu chứng
Chó bồn chồn đi lại, nôn mửa, thở nhanh, nhiệt độ trên 41°C. Sau đó chân bị cứng lại, chó nằm duỗi chân, cơ run, thỉnh thoảng lại co giật. Thở khó, chảy nước dãi.
III. Điều trị
Có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Canxi clorua 10%, hoặc Gluconat canxi 10% tiêm chậm vào tĩnh mạch, hoặc Parathyroid (1ml) tiêm dưới da.
BỆNH CHÀM DA
(Eczema)
I. Đặc điểm
Chàm da là một chứng viêm da cấp tính ở tổ chức biểu bì. Bệnh tiến triển từng đợt, hay tái phát rất phức tạp và dai dẳng. Đặc điểm của nó là nổi mẩn trên da những mụn nước và mụn mủ, sau đó là hiện tượng đóng vảy, da dày lên.
II. Nguyên nhân
Nguyên nhân của bệnh rất phức tạp, song có thể phân làm hai nguyên nhân chính.
1. Nguyên nhân ngoại cảnh
- Do điều kiện vệ sinh kém, chuồng trại bẩn, da luôn bị ẩm ướt và các chất bẩn đọng lại trên da.
- Da bị tổn thương do cọ xát cơ giới, bị côn trùng cắn.
- Do bị kích thích bởi các hóa chất.
- Do ảnh hưởng của thời tiết.
2. Nguyên nhân bên trong
- Do rối loạn tiêu hoá (táo bón lâu ngày, suy gan, giun sán,…).
- Do các rối loạn về tuần hoàn, nội tiết.
- Do rối loạn quá trình trao đổi chất của cơ thể (thiếu sinh tố, thiếu các loại khoáng vi lượng,…).
Muốn tìm được nguyên nhân chính xác phải tiến hành điều tra lịch sử bệnh, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và kiểm tra lâm sàng kết hợp với xét nghiệm bệnh phẩm.
III. Triệu chứng
Bệnh thường tiến triển qua các giai đoạn sau
1. Giai đoạn đỏ
Giai đoạn này bắt đầu từ đám da bị đỏ, ranh giới không rõ rết và rất ngứa (ngứa là triệu chứng xuất hiện đầu tiên dai dẳng và kéo dài cho đến các giai đoạn sau). Trên vùng da đỏ xuất hiện những nốt sần như những hạt kê, dày chi chít.
2. Giai đoạn mụn nước
Những nốt sần trên thực tế là những mụn nước ngày càng lớn, khi ngửa, con vật gãi hoặc cọ sát nên mụn nước bị vỡ và chảy ra một thứ nước vàng, đóng thành vảy. Những mụn nước khác lại tiếp tục nổi lên, một số mụn bị nhiễm khuẩn có màu vàng. Trong giai đoạn này có thể có một số triệu chứng nhiễm khuẩn thứ phát.
3. Giai đoạn đóng vảy
Giai đoạn này da không nổi lên những mụn nước mới, những mụn cũ đóng vảy, khô dần, có chỗ lên da non màu hồng. Tuy nhiên vẫn còn một số ít mụn nước. Da có màu sẫm hơn và dày cộm lên.
4. Giai đoạn mạn tính
Da sẫm màu, dày cộm, có những nốt sần cứng hơn, to hơn ở giữa các vết hằn da.
Quá trình bệnh chia làm các giai đoạn trên song các giai đoạn đó không chia rõ ranh giới mà thường xen lẫn nhau (trong giai đoạn đó đã có một số mụn nước, trong giai đoạn mụn nước đã có một số lên da non, trong giai đoạn mạn tính vẫn còn có những mụn mẩn đỏ, mụn nước).
IV. Tiên lượng
Bệnh ở thể cấp tính nếu điều trị kịp thời bệnh sẽ khỏi. Nếu bệnh chuyển sang mạn tính rất khó chữa.
V. Chẩn đoán
Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh sau:
- Bệnh ghẻ: Cạo vảy để tìm cái ghẻ.
- Bệnh viêm da: Bệnh gây viêm sâu ở các lớp nội bị và dưới
da. Viêm da không nổi mụn nước và mụn đỏ, con vật ít ngứa hơn
III. Điều trị
1. Điều trị toàn thân
- Cần cải thiện chế độ vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Tránh cho con vật ăn những thức ăn kích thích, tránh cọ sát và không để nhiễm bẩn.
- Chú ý điều hoà các chức phận, tẩy giun sán định kỳ, tránh táo bón, cho gia súc uống đủ nước.
- Làm huyết liệu pháp.
- Chữa dị ứng dùng novocain 0,25% tiêm tĩnh mạch, gluconat canxi hoặc clorua canxi kết hợp với vitamin C 5% tiêm chậm vào tĩnh mạch.
2. Điều trị tại chỗ
Cần phân biệt từng giai đoạn để có biện pháp chữa thích hợp:
- Trường hợp chỗ da bệnh cháy nước, trợt da, đỏ:
+ Tránh không dùng các thuốc kích thích hoặc thuốc mỡ mà chỉ dùng các loại thuốc làm dịu da, thuốc nước.
+ Dùng một trong các loại thuốc sát trùng như: Natri Bicarbonat 5%; Rivanol 0,1%; thuốc tím 0,1%, dung dịch..
+ Dùng thuốc làm dịu và trị nấm đó là dầu kẽm:
Ôxit kẽm: | 40 g |
Dầu ô liu: | 60 g(có thể thay bằng dầu cá) |
Chú ý:
+ Khi đắp gạc không kỳ có quá mạnh, bôi thuốc xong không băng kín.
+ Nếu bệnh có nhiều vảy thì chấm qua dầu lạc cho vảy bong ra rồi mới bôi thuốc hoặc đắp gạc.
- Giai đoạn vết bệnh tương đối khô và bớt đỏ:
Bôi thuốc ngày 2 lần hỗn dịch thuốc mỡ sau:
Ichthyol: | 10 ml |
Oxit kẽm | 5g |
Axit benzoic: | 3g |
Bột tanin: | 5g |
Phèn chua: | 5g |
Vaseline: | 5ml |
– Giai đoạn mạn tính:
Dùng các loại thuốc làm mỏng da, bớt ngứa như dầu Ichthyol, mỡ lưu huỳnh, mỡ salicylic từ thấp đến cao (5 – 10%) bôi lên chỗ da bệnh, có thể băng lại.
Chú ý:
Khi dùng thuốc nên thăm dò phản ứng của gia súc để kịp thời thay đổi thuốc. Nếu có điều kiện có thể dùng biện pháp lý liệu pháp.