BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CHÓ (P1)

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CHÓ (P1)
Mục lục

    BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CHÓ (P1)

    Trang bị cho bản thân kiến thức về bệnh của chó sẽ giúp bạn sớm phát hiện ra và nhanh chóng phòng ngừa, điều trị cho chú chó của mình

    BỆNH CHÓ DẠI

    (Rabid dog disease)

    1643426548cc43b912e167d7288f58b4715e5ba22d

    I. Đặc điểm

    – Bệnh dại là một bệnh viêm não tủy cấp tính do một loại Rhabdovirus gây ra ở chó, mèo và các động vật máu nóng.

    – Trong thiên nhiên bệnh được truyền chủ yếu do các vết cắn của con vật bị dại mang virus ở trong nước dãi. Hãn hữu mới có sự lây qua vết thương.

    – Thời gian mang bệnh biến đổi rất lớn, thường từ 15 – 50 ngày nhưng có khi kéo dài nhiều tháng tùy theo vị trí cắn và độc lực của virus.

    – Sự sinh bệnh xảy ra sau khi bị vật dại cắn. Phần lớn khi lên cơn dại thì động vật và kể cả người đều kết thúc bệnh bằng cái chết thê thảm.

    II. Triệu chứng

    Triệu chứng các loài vật bị dại đều điển hình nhưng có chút khác nhau giữa loài thú ăn thịt, loài nhai lại và người. Diễn biến lâm sàng của bệnh dại ở chó được chia ra làm 3 thời kỳ:

    + Thời kỳ tiền bệnh

    + Thời kỳ kích thích

    + Thời kỳ liệt

    Thuật ngữ“Dại điên cuồng”là để chỉ các con vật có giai đoạn kích thích nổi bật “dại câm hay liệt”, những con vật có giai đoạn kích thích cực kỳ ngắn hoặc không có và bệnh tiến triển nhanh sang giai đoạn liệt ở bất kỳ con vật nào. Triệu chứng đầu tiên là thay đổi thái độ, có thể chảy dãi hoặc không. Con vật thường bỏ ăn uống, không sốt, đi tìm chỗ vắng vẻ. Sau thời kỳ tiền bệnh 1 – 3 ngày con vật có triệu chứng liệt hoặc trở nên hung dữ.

    – Thể liệt

    Liệt họng và liệt cơ nhai, chảy nhiều nước dãi và không nuốt được, hàm dưới thường trễ xuống. Những con vật như vậy không dữ tợn và rất ít có khả năng cắn, sau đấy liệt tiến triển nhanh đến toàn bộ cơ thể, con vật bị hôn mê và chết sau vài giờ.

    – Thể điên cuồng

    Ở thể này con vật trở nên điên cuồng và tấn công dữ dội. Vẻ mặt thể hiện băn khoăn, cảnh giác, đồng tử giãn rộng, thường hay chạy rông, hay cắn lung tung. Trong giai đoạn kích thích, con vật không bị liệt, chó rất ít khi sống được trên 10 ngày kể từ khi phát triệu chứng.

    III. Chẩn đoán

    Lúc bệnh mới phát, chẩn đoán lâm sàng hơi khó và dễ nhầm với các bệnh khác. Do vậy, trên lâm sàng cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp sau:

    Chứng giảm canxi huyết:ngoài hiện tượng chảy nước dãi con vật còn có hiện tượng co cứng cơ.

    Chứng động kinh:ngoài hiện tượng chảy nước dãi con vật còn có hiện tượng ngất xỉu.

    IV. Phòng bệnh

    Để thực hiện phòng bệnh rộng rãi trên vùng rộng thì phải tuân thủ quy trình sau:

    + Tiêm vacxin phòng bệnh hàng loạt cho chó là biện pháp tốt nhất.

    + Không thả rông chó.

    + Đối với cán bộ thú y nên tiêm phòng vacxin để có miễn dịch dự phòng. Sau khi tiêm vacxin, phải thử huyết thanh xem có miễn dịch không.

    BỆNH CARÊ
    (Febris Catarrhalis infectiosa canum)

    I. Đặc điểm

    – Carê là bệnh truyền nhiễm chủ yếu là ở chó con (do vậy, bệnh còn có tên gọi là bệnh sài sốt ở chó con), với các hội chứng sốt, viêm phổi, viêm ruột, niêm mạc và các nốt sài ở chỗ da mỏng.

    – Cuối thời kỳ bệnh thường có hội chứng thần kinh. Sự kế phát của các vi khuẩn cư trú sẵn ở đường tiêu hoá, hô hấp thường làm cho bệnh trầm trọng thêm, lúc đó bệnh thể hiện chủ yếu dưới hai dạng (viêm phổi và viêm ruột). Tất cả các loài chó đều cảm thụ bệnh, nhưng mẫn cảm hơn cả là loài chó chó Béc giê, chó lai, chó cảnh, chó nội ít mẫn cảm hơn.

    – Bệnh xuất hiện nhiều khi có sự thay đổi thời tiết, đặc biệt ở những ngày mưa nhiều, độ ẩm cao.

    II. Triệu chứng và bệnh tích

    Biểu hiện bệnh rất đa dạng, tùy thuộc vào tuổi chó mắc bệnh, giống chó, tình trạng sức khoẻ, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, độc lực của mầm bệnh.

    Đầu tiên ở chó xuất hiện các triệu chứng chung: chó mệt mỏi, ủ rũ, ăn ít, không thích vận động, lông xù, sau đó chó sốt (thân nhiệt tăng lên 40 – 40,5°C trong 24 – 48 giờ). Lúc sốt, chó bỏ ăn, mắt đỏ, có khi không ăn. Sau đó cơn sốt giảm xuống, thân nhiệt trở lại bình thường, chó ăn một ít tuy vẫn mệt, 3 – 4 ngày sau xuất hiện đợt sốt thứ 2 (cơn sốt thứ 2 kéo dài hơn, thường kéo dài 3 – 4 ngày), chó rất mệt. Lúc này nhịp thở tăng rõ, chó rất mệt, mắt có dử, gương mũi khô, niêm mạc mũi, miệng, đường hô hấp viêm cata. Hiện tượng viêm phổi và viêm ruột thể hiện rõ (chó thở khò khè, ỉa chảy, trong phân có lẫn máu và niêm mạc ruột bị bong ra, phân có mùi tanh khảm rất khó chịu và có màu cà phê). Do chó không ăn và ỉa chảy nên chó bị gầy sút nhanh chóng, hố mắt trũng sâu, bụng hóp, lông xơ xác, chó đi xiêu vẹo hay chỉ nằm một chỗ. Mắt nhắm nghiền, hậu môn bẩn.

    Một dấu hiệu khác thường thấy là sự xuất hiện các mụn mủ bụng, ngực, háng, trong đùi. Các mụn mủ thường bằng hạt đỗ xanh, hạt gạo, lúc đầu đỏ, sau bội nhiễm nên mềm ra, có mủ. Khi vỡ ra, các mụn mủ làm lông bết, ướt. Nếu chó chết sớm, thường không thấy dấu hiệu thần kinh. Nếu bệnh kéo dài khoảng 10 ngày, chó xuất hiện triệu chứng thần kinh, chó bị co giật hoặc đâm sầm vào tường. Khi đụng phải vật cản, chó nổi cơn co giật có khi sùi cả bọt mép.

    Xác chết thường gầy, hố mắt trũng sâu, niêm mạc mũi, miệng viêm cata, đỏ mọng, sưng dày lên, có nhiều chất nhớt, lỏng hay hơi đặc. Phổi viêm nặng, có khi viêm cả thùy, có mủ, xuất huyết thành từng điểm bằng hạt đỗ, hạt ngô, màu sẫm hoặc đỏ. Niêm mạc ruột, dạ dày có nhiều điểm xuất huyết, có khi bị bào mỏng, trong ruột chứa máu màu cà phê. Thành ruột có những điểm loét sâu màu nâu sẫm. Lách sưng có nhồi huyết ở rìa. Gan sưng, xuất huyết, có khi xuất huyết thành vệt, có khi thành những điểm bằng hạt đỗ, hạt ngô. Tim nhão, lớp vỏ vành tim đôi khi bị xuất huyết. Niêm mạc bàng quang cũng có thể xuất huyết.

    III. Chẩn đoán

    Nếu bệnh phát ra điển hình, đặc biệt ở chó chưa tiêm phòng, chó non, có đủ hội chứng tiêu hoá, hô hấp và mụn loét ở da… thì dễ nhận biết bệnh. Quy luật sốt là một trong những dấu hiệu quan trọng của bệnh carê. Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau đây:

    + Bệnh viêm phổi:Chó sốt cao, không kể lứa tuổi, thường do cảm lạnh. Điều trị bằng kháng sinh liều cao có kết quả.

    + Bệnh ỉa chảy do rối loạn tiêu hoá:Con vật ỉa chảy nhưng không có máu, sốt ít hoặc không sốt. Thường do ăn phải thức ăn không đảm bảo, hay ăn quá nhiều mỡ.

    + Bệnh dại:Chó không sốt, hung dữ, sợ ánh sáng, hay cắn càn.

    + Bệnh ỉa chảy do Parvovirus:Bệnh này rất giống bệnh carê nhưng phân màu hồng và chó không có triệu chứng thần kinh, không xuất hiện các mụn mủ.

    IV. Phòng và trị bệnh

    1. Phòng bệnh

    Như tất cả các bệnh khác, việc chăm sóc nuôi dưỡng, giữ vệ sinh, vận động đúng mức, mùa đông giữ ấm cho chó có vai quyết định.

    Dùng vacxin nhược độc carê tiêm phòng cho chó. Vacxin này an toàn, có thời gian bảo hộ cho chó từ 6 tháng đến 1 năm. Vì kháng thể từ mẹ có thể bảo vệ cho chó con đang bú từ 4 – 6 tuần nên cho nên tiêm vacxin cho chó con từ 2 tháng tuổi, để chắc chắn nên tiêm lại lần 2 vào lúc chó con được 35 tháng tuổi.

    Đối với chó cảnh và chó nghiệp vụ, việc sử dụng huyết thanh tối miễn dịch là cần thiết. Về nguyên tắc nên dùng kháng huyết thanh cho những con mới chớm bị bệnh hay tốt hơn ở những con còn khỏe nhưng đã tiếp xúc với chó bệnh. Sau khi dùng kháng huyết thanh 3 tuần cần tiêm lại vacxin.

    2. Điều trị

    – Nguyên tắc điều trị:Việc điều trị có kết quả khi có hộ lý tốt. Cũng như tất cả các bệnh do virus khác, hiệu quả điều trị phụ thuộc vào sức đề kháng và thể trạng của con vật. Do đó nguyên tắc điều trị là tăng sức đề kháng của cơ thể để nâng cao thể trạng cho con vật và dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn kế phát. Trong thực tế cho thấy, điều trị theo phác đồ sau cho kết quả khả quan:

    – Truyền dịch cho con vật:có thể dùng một trong các dung dịch sau (dung dịch ringerlactat, hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, hoặc dung dịch đường glucose 5 – 10% kết hợp với vitamin C và thuốc trợ tiêm). Truyền chậm vào tĩnh mạch.

    – Dùng thuốc điều trị triệu chứng:

    + Nếu con vật nôn nhiều: dùng thuốc chống nôn, có thể dùng một trong các loại thuốc sau (Atropin Sulfat 0,1%, hoặc Meclizine, hoặc Promethazine)

    + Nếu trên da có các mụn mů: dùng dung dịch sát trùng rửa sạch mủ rồi bôi bột kháng sinh hoặc dung dịch xanh methylen 2%.

    + Nếu chó có triệu chứng thần kinh: dùng thuốc an thần Anagil 30%.

    – Dùng thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn kế phát

    + Nếu chó bị viêm phổi: dùng một trong các loại kháng sinh sau (Bromhexin, hoặc Hamogen, Hanmolin – LA với liều 1ml/10kgP. Tiêm bắp ngày 1 lần.

    + Nếu chó bị viêm ruột, tiêu chảy ra máu: dùng Hamcoli – S, hoặc Hampiseptol liều 1ml/10kgP. Tiêm bắp ngày 1 lần.

    Ngoài ra phải cho chó uống thêm men tiêu hoá Han Lacvet và Smecta (thuốc bảo vệ niêm mạc ruột), tiêm vitamin K nếu chó tiêu chảy ra máu nhiều. Có thể rửa ruột cho chó bằng dung dịch thuốc tím loãng (0,1%).

    BỆNH VIÊM GAN TRUYỀN NHIỄM
    (Hepatitis Contagiosa Canis)

    I. Đặc điểm

    Viêm gan truyền nhiễm ở chó là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây lan rất mạnh, chủ yếu ở chó con. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là gan sưng, thiếu máu, đặc biệt là hiện tượng báng nước.

    Chó từ 8 tuần tuổi đến 1 năm tuổi hay mắc. Chó Béc giê hay mắc hơn cả, nhất là lúc chó 2 – 3 tháng tuổi.

    II. Triệu chứng

    Thể cấp tính thường thấy ở chó con, nhất là chó từ 1 – 3 tháng tuổi, thời gian nung bệnh 4 – 7 ngày, có khi lâu hơn. Chó con hay chết đột ngột, chó sốt đến 40 – 40,5°C. Cơn sốt kéo dài liên miên. Bụng chó to dần do gan sưng và do hiện tượng báng nước, có khi rút trong xoang bụng chó ra đến 500ml dung dịch trong và hơi sánh, chó chậm lớn, niêm mạc nhợt nhạt, sờ vào vùng bụng chó có phản ứng do bị đau. Chó luôn luôn khát nước, thỉnh thoảng bị nôn. Hiện tượng ỉa chảy thường rất hay gặp, có khi phân lẫn ít máu. Chó gầy sút nhanh chóng, chó mệt mỏi và lười vận động, sau đó con vật suy kiệt rồi chết.

    III. Chẩn đoán

    Trên thực tế chúng ta cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có triệu chứng tiêu chảy:

    – Bệnh carê:chó thường sốt cao và sốt có quy luật, bệnh tiến triển nhanh, ỉa chảy ra máu, có thể có các mụn mủ trên da hay hội chứng thần kinh.

    – Bệnh ỉa chảy do virus:chó thường ỉa chảy phân màu hồng, bệnh tiến triển nhanh và chó chết nhanh, không có hiện tượng báng nước.

    IV. Phòng chống bệnh

    – Nguyên tắc điều trị:việc điều trị hầu như không có kết quả nếu như chó đã có triệu chứng điển hình (bụng báng nước). Vì vậy, tốt nhất là tiêm vacxin để phòng bệnh. Việc điều trị chỉ thực hiện ở giai đoạn đầu của bệnh (bệnh còn nhẹ), chủ yếu dùng thuốc tăng cường sức đề kháng của cơ thể để nâng cao thể trạng cho con vật và dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn kế phát cũng như dùng thuốc để nâng cao chức năng gan. Trong thực tế cho thấy, điều trị theo phác đồ sau thường cho kết quả khả quan:

    – Truyền dịch cho con vật:có thể dùng một trong các dung dịch sau (dung dịch ringer lactat, hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, hoặc dung dịch đường glucose 5 – 10% kết hợp với vitamin C và thuốc trợ tiêm. Truyền chậm vào tĩnh mạch).

    – Dùng thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn kế phát:dùng một trong những kháng sinh sau: Hanmolin – LA 1ml/10kgP, hoặc Amtio 1ml/5kgP. Tiêm bắp ngày một lần.

    – Dùng thuốc để nâng cao chức năng gan:dùng một trong các loại thuốc sau (Sylgan S, hoặc RB 25, hoặc Methionin,…).

    Tỷ lệ khỏi bệnh còn phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh.

    BỆNH DO RICKETTSIA
    (Rickettsia Sis)

    I. Đặc điểm

    – Rickettsia có hình dạng những đám hạt hình cầu nằm trong tương bào bạch cầu.
    – Chó bệnh thường chảy máu mũi, sốt cao, có những chấm xuất huyết da vùng bẹn.
    – Ở Việt Nam, giống chó hay mắc bệnh này là German shepherd và Rottweiler, đặc biệt là chó nhập nội mắc nhiều.

    II. Triệu chứng

    Sau thời gian ủ bệnh 1 – 3 tuần con vật sốt, chảy dịch ở niêm mạc mắt, mũi, con vật bỏ ăn, ủ rũ, gầy, thiếu máu, giảm số lượng hồng cầu, số lượng bạch cầu tăng.

    Chó bệnh có triệu chứng điển hình là xuất huyết ở một bên mũi hoặc cả hai bên mũi, sốt cao (40 – 41°C), bỏ ăn, sụt cân, thở khá.
    Xuất huyết ở mũi là một triệu chứng đồng thời còn kèm theo một số dấu hiệu như: thiếu máu, thuỷ thũng ở dương vật và chân, nhất là chân sau. Da vùng bẹn có những chấm xuất huyết màu đỏ, niêm mạc mắt, miệng có đốm xuất huyết.
    Chó thường chết 5 – 7 ngày sau khi chảy máu mũi, nếu bệnh quá nặng, chảy máu ào ạt chó có thể chết trong vòng 24 giờ. Phần lớn chó bị bệnh này thường bị chết hoặc trở nên suy kiệt phải loại bỏ.

    III. Chẩn đoán

    Soi kính hiển vi trên tiêu bản phiết máu đã nhuộm giemsa thấy trong nguyên sinh chất tế bào đơn nhân hay đa nhân trung tính có từng cụmE.canis. Có thể chứng minh được bệnh bằng phương pháp huyết thanh học như tìm kháng thể trong huyết thanh hay bằng soi huỳnh quang kháng thể gián tiếp.

    IV. Điều trị

    – Dùng thuốc cầm chảy máu mũi: dùng vitamin K và vitamin C, tiêm chậm vào tĩnh mạch ngày một lần.
    – Dùng thuốc để diệt ký sinh trùng đường máu bằng một trong các loại thuốc sau (dùng kháng sinh Han D,0,0. Tiêm bắp liều 1ml/5 – 7 kgP, tiêm bắp 5 – 7 ngày, hoặc Azidin liều 35mg/10kgP. Tiêm bắp 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 ngày.

    Dùng các thuốc trợ sức, trợ lực, chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Nếu có điều kiện thì truyền máu cho chó.
    – Dùng thuốc để tạo hồng cầu: Tiêm Fe – Dextran 10%, hoặc tiêm H500, hoặc uống viên sắt.

    V. Phòng bệnh

    Thường xuyên chăm sóc và nuôi dưỡng chó một cách chu đáo, cho ăn no, đủ chất, giữ cho sạch sẽ, không cho chó lành tiếp xúc với chó ốm và bị sốt xuất huyết. Cần diệt, trị ve, rận, bọ chó một cách tích cực vì hiện nay chưa có vacxin và huyết thanh đặc trị để phòng trị bệnh này.

    BỆNH XOẮN KHUẨN
    (Leptospirosis)

    I. Đặc điểm

    Bệnh xoắn khuẩn là bệnh chung giữa người, gia súc và các loài động vật hoang dã.

    – Ở thể cấp tính chó biểu hiện sốt trong thời gian ngắn, viêm dạ dày, ruột chảy máu, viêm loét miệng, đôi khi vàng da và xuất hiện triệu chứng thần kinh.

    – Trong thiên nhiên những con vật mang trùngLeptospiratrở thành nguồn thảiLeptospiratrong thời gian dài.
    – Bệnh xoắn khuẩn của các loài động vật và người có thể lây chéo sang nhau.
    – Những động vật gặm nhấm có thể mang xoắn khuẩn suốt đời, chúng liên tục bài xuất vi trùng ra môi trường theo đường nước tiểu làm ô nhiễm nguồn nước và thức ăn, từ đóLeptospirasẽ nhiễm vào cơ thể chó cũng như các loại gia súc khác, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát sinh thành bệnh xoắn khuẩn.

    II. Triệu chứng

    – Thể xuất huyết

    Thường xảy ra ở chó trưởng thành. Bệnh xảy ra đột ngột. Chó sốt cao (40,5 – 41,5°C), bỏ ăn, hai chân sau yếu, có trường hợp xung huyết kết mạc mắt. Sang ngày thứ hai nhiệt độ giảm xuống (37 – 38°C). Chó ủ rũ, khó thở, bỏ ăn, không uống nước, có trường hợp nôn mửa. Trong ngày thứ 2 và thứ 3 niêm mạc miệng có những nốt xung huyết, sau này trở thành hoại tử, miệng thở ra mùi hôi. Ở thời kỳ sau của bệnh, chó ủ rũ hoàn toàn, run cơ bắp, đau ở vùng bụng khi sờ nắn con vật, nôn ra máu, chảy máu mũi, gầy rất nhanh, da khô, mắt lõm, viêm kết mạc, thân nhiệt hạ dưới mức bình thường, chó khó thở rồi chết.

    Ở chó con thấy những chấm xuất huyết ngoài da. Con vật bị táo bón, nước tiểu ít, phù mặt, sưng các hạch vùng cổ.

    Bệnh kéo dài 2 – 3 ngày, có khi 5 – 10 ngày. Tỷ lệ tử vong 65 – 90%.

    – Thể vàng da

    Chó con hay mắc thể này. Bệnh thường phát triển từ từ cho đến khi vàng da. Mức độ vàng da tăng và phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Thân nhiệt lúc đầu cao, khi xuất hiện vàng da nhiệt độ giảm xuống thấp. Chó ủ rũ như ở thể xuất huyết. Khi bệnh phát triển sự ủ rũ càng tăng lên. Trong một số trường hợp bệnh xảy ra đột ngột.

    Bệnh nhẹ thường thấy ở chó trưởng thành. Hậu quả gây viêm kết mạc. Tỷ lệ tử vong 40- 60%.

    III. Chẩn đoán

    Cần chẩn đoán phân biệt với trường hợp ngộ độc thức ăn do nấm mốc (ở trường hợp này cũng có triệu chứng như bệnh xoắn khuẩn).

    – Chẩn đoán phân biệt với bệnh carê và bệnh parvo (trong trường hợp bệnh ở thể xuất huyết).

    IV. Điều trị

    – Dùng kháng huyết thanh Leptospira bao gồm những serotype Leptospira mà chó bị nhiễm. Tiêm dưới da 10 – 30ml tùy theo lứa tuổi và khối lượng con vật.

    – Dùng một trong những loại kháng sinh sau:
    + Amino liều 1 – 1,5 ml/10kgP, tiêm bắp 5 – 7 ngày
    + Han D.O.C liều 1ml/5 – 7 kgP, tiêm bắp 5 – 7 ngày
    + Enrotril 10% liều 1ml/10kgP, tiêm bắp 5 – 7 ngày

    – Cung cấp nước và chất điện giải cho cơ thể, kết hợp tiêm vitamin C, B1 và thuốc trợ tim (để trợ sức trợ lực cho con vật).

    + Trường hợp con vật nôn nhiều cho uống Duphalac làm trống ruột hạn chế nôn.

    + Trường hợp loét miệng phải rửa bằng Han – Iodine 10% pha loãng.

    Khi có dịch Leptospirosis xảy ra thì việc làm tích cực nhất là tiêm phòng vacxin cho toàn bộ dàn chó khoẻ trong vùng có dịch.

    V. Phòng bệnh

    – Cách ly chó khỏe với chó bệnh.
    – Không cho chó khỏe tiếp xúc với chất thải của chó ốm.
    – Vệ sinh và tẩy uế chuồng trại.
    – Phòng bệnh bằng vacxin.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *